64 lượt xem Share

THỬ TÌM DẤU CHÂN TRÊN CÁT – ghi chép về thơ Thầy Nhất Hạnh

Tác giả: Chân Không CAO NGỌC PHƯỢNG
Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam 12/2019
Loại sách: Sách màu, bìa mềm
Số trang: 358 trang
Khổ sách: 16x24cm
Giá bìa: 198.000đ
Phát hành: Peacebooks

Cuốn sách là tập thơ của Thầy Thích Nhất Hạnh, do Sư cô Chân Không sưu tầm và biên soạn, như một nỗ lực tìm kiếm những dấu chân từng in trên mặt cát. Những bài thơ của Thầy vô cùng đa dạng, không chỉ mang đậm ý vị thiền của một bậc chân tu, mà còn lắng đọng những nỗi niềm hiện thế, gắn liền với những giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm của đất nước quê hương.

Được điểm xuyết bởi những bức minh hoạ màu tuyệt đẹp của hoạ sĩ Trang B., đây chắc chắn là một cuốn thơ đầy cảm xúc, dành tặng cho những độc giả yêu thơ của Thầy.

Lời giới thiệu của tác giả Chân Không Cao Ngọc Phượng

Sư cô Chân Không rất cảm động khi tập sách này được xuất bản và ra mắt độc giả nhân dịp kỷ niệm 60 năm theo Thầy học đạo và phụng sự.

Tuy nói là ghi chép về thơ thầy Nhất Hạnh của Chân Không Cao Ngọc Phượng nhưng hầu như tất cả thơ và phần chú giải đều là do Thầy viết giúp. Tôi nhớ mùa thu năm 1978, sau khi đi cứu trợ trên vịnh Thái Lan về, tôi có thời gian nghỉ ngơi khoảng một tháng. Về tới Phương Vân am, Thầy dạy tôi đọc mấy bài thơ rải rác của Thầy cho đỡ buồn và nếu có cảm hứng thì viết chú giải dùm Thầy. Thầy dạy: “Con nên ghi chép lại rằng con nhớ đọc bài thơ này ở đâu, lúc đó thầy trò đang làm gì, trong giai đoạn cảm động nào…” Thầy đưa cho tôi xem bài Trái ý thức chín rồi. Tôi đọc mà vui quá, bài này thầy Thanh Văn rất thích mà tôi lại càng thích hơn. Tôi hăm hở viết, rồi đến bài Tôi thấy em nơi sân nghèo cô nhi viện, Thiên đường đã mất; bài Ruột đau chín khúc mà Thầy viết khi hướng dẫn đoàn Sinh viên Đại học Vạn Hạnh đi cứu trợ trên sông Thu Bồn thật cảm động… Nhưng khi viết đến những bài quá cảm xúc như bài Xin đứng bên nhau, Xin trả về cho non sông cho nhân loại cho đồng bào… tôi không cầm nổi nước mắt, bỏ chạy và thưa: “Thầy ơi, con không viết được đâu.”

Tôi đi thiền hành một mình vô rừng sâu. Thầy buông cuốc trồng rau đi vào cốc đá của Thầy mà ngồi viết tiếp như những bài thuyết pháp, như đang dạy chúng tôi. Thầy viết được khoảng 10 trang thì Thầy đến gần tôi dịu dàng bảo: “Con đánh máy tiếp cho Thầy. Thầy viết cũng như con viết.” Thế là công tác vẫn được tiếp tục và hoàn tất từ từ. Nhờ có Thầy viết tiếp chú giải nên những thế giới của bản môn xuất hiện và làm vơi rất nhiều khổ đau cho độc giả.

Nhưng độc giả đừng có tri giác sai lầm là tập thơ của Thầy chỉ nói những chuyện buồn, ngược lại, có nhiều bài thơ rất đẹp và vô cùng sâu sắc của quê hương tâm linh tác giả như: Bướm bay vườn cải hoa vàng, Trường ca Avril, Chân dung, Dặn dò,  Đại trượng phu, Từ bi quán, Những giọt không, Quê hương tuổi nhỏ, Pháp giới thực ấn, Thông điệp…

Mong rằng những ghi chép này của tôi có thể góp một niềm vui nho nhỏ cho những người yêu thích thơ của Thầy.

Nam mô Đức Bồ tát Đại hạnh Phổ Hiền và Đức Bồ tát Đại bi Quán Thế Âm.

Sư cô Chân Không

Tháng 11 năm 2019