THIỀN BUÔNG THƯ
Tác giả: Sư Cô Chân Không
Khổ sách: 13x19cm
Số trang: 112
Loại bìa: Bìa mềm
Giá bìa: 66.000đ
Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam tháng 1/2024
Phát hành: Peacebooks
Cuốn sách giới thiệu về pháp môn Thiền Buông Thư do Sư Cô Chân Không hướng dẫn, cùng các bài thực tập rất cụ thể, dễ dàng, để giúp người thực tập có thể thư giãn sâu tại bất cứ nơi đâu, trong bất cứ quãng thời gian nào, tương thích với nhịp điệu sinh hoạt của mỗi người.
Những bài tập Thiền Buông Thư giúp chúng ta biết thương yêu trân trọng thân thể của chính mình, từ đó khiến thân tâm phục hồi năng lượng một cách chóng vánh, để “làm mới” bản thân từ trong ra ngoài một cách hiệu quả, để nhanh chóng biến thành một “ta” khác tươi mới và tràn đầy năng lượng.
Bằng những bài tập đơn giản mà hữu ích, phương pháp thực tập Thiền Buông Thư đã đem lại lợi lạc cho rất nhiều người, giúp họ tự tìm thấy cho mình một “hải đảo tự thân” để lấy lại bình yên trong sóng gió, và hiểu được giá trị của những “khoảng lặng”, những “quãng nghỉ” trong cuộc sống bộn bề.
Thở vào… thở ra…
ta thấy toàn thân nhẹ bẫng
như cánh bèo trôi êm đềm trên mặt nước…
Không cần đi đâu nữa, không cần làm gì cả,
ta thấy mình thong dong tựa áng mây trôi
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng dạy: “Mỗi hơi thở là một sự sống, mỗi hơi thở là một phép lạ, mỗi hơi thở có công năng nuôi dưỡng, mỗi hơi thở có công năng trị liệu.” Hãy dành trọn vẹn sự chú tâm hơi thở vào thực hành thiền buông thư, bạn sẽ thấy phép lạ luôn hiển bày…
Trích sách:
CỘI NGUỒN CỦA PHƯƠNG PHÁP THIỀN BUÔNG THƯ (Sư Cô Chân Không)
Các bài tập thiền buông thư được Chân Không phát triển căn cứ trên điều Đức Bụt dạy trong Kinh Niệm thân. Trong quá trình thực tập quán niệm, người tu tập thiền phải quán chiếu về bốn lĩnh vực, lĩnh vực thứ nhất là thân trong thân. Bụt dạy rằng, thân và tâm là hai mặt của một thực tại. Ta không thể nói rằng ta chỉ tu tâm thôi, và cho rằng thân là của nặng, là ô uế, như vậy là không đúng. Tâm và thân đều là đền thờ thiêng liêng, tâm là đền thờ của thân, thân là đền thờ của tâm, vậy nên cũng phải đối xử ưu ái với thân mình.
Khi có điều tức giận, dính mắc trong tâm, ta hãy cầu cứu thân mình, để thân được buông thư cho khoẻ, cho nhẹ. Khi thân mình khoẻ nhẹ, tươi mát rồi, ta sẽ biết cách xử lý những khổ đau, khó nhọc trong tâm, và cũng biết cách hành xử cho đẹp, cho khéo, cho hay nhất. Như trong Kinh Niệm thân, Bụt có nói rằng, giống như một người nông dân lên nhà kho đem xuống một bao hạt giống, trút lên mặt bàn rồi nhận diện: “Đây là hạt bắp, đây là hạt lúa, đây là hạt mè, đây là đậu xanh, đây là đậu đỏ…” Tương tự như vậy, người hành giả cũng sẽ quán chiếu thân mình theo cách đó: “Đây là mắt của tôi, đây là tai của tôi, đây là trái tim tôi, đây là lá gan tôi… Tôi gửi sự ưu ái tới cho từng phần cơ thể.” Ta đang nhận diện những hạt giống quý báu của mình. Đây là cách tu tập để nuôi dưỡng thân.
Ngay trong chính tăng thân chúng tôi, mỗi khi có chuyện dính mắc trong lòng, mỗi khi gặp chuyện căng thẳng trong cuộc sống, thì thiền buông thư chính là một trong những cách hay nhất. Trong khi nằm buông thư, nếu lỡ ngủ quên thì ta cứ ngủ, không cần cưỡng lại. Và khi thức dậy, dù mới ngủ quên chỉ chừng hai, ba phút, dù rằng lúc này, vấn đề vẫn còn nguyên đó, nhưng con người ta đã trở thành con người mới, bình an và nhẹ nhõm hơn nhiều.