80 lượt xem Share

SỰ VẬN HÀNH CỦA TÂM50 bài học về Duy Biểu học

Tác giả: Chân Đoan Nghiêm
Khổ 14.5*20.5, 342 trang.
Sách màu, bìa mềm
Giá bìa: 116.000đ
NXB Phụ Nữ Việt Nam, tái bản lần 2 tháng 9/2023
Phát hành: Peacebooks

Tôi hết sức vui mừng khi biết Sư cô Đoan Nghiêm cho xuất bản cuốn sách về Duy Biểu học có tên Sự vận hành của Tâm. Năm 2020, nghe nhiều cư sĩ muốn học môn học này nên Sư cô đã nhận lời mở lớp dạy trên mạng internet, giữa mùa dịch Covid-19. Cuốn sách này là thành quả của lớp học đó.

Nhiều năm qua, không ít lần tôi đã “thúc” Sư cô Đoan Nghiêm viết sách. Khi mới về Làng để tập sự xuất gia năm 1992, tôi đã thấy Sư cô dùng hết thì giờ riêng của mình để đánh máy những Lá thư Làng Mai và nhiều cuốn sách của Sư Ông. Trước khi in một Lá thư Làng Mai hay cho xuất bản một tác phẩm, Sư Ông luôn đọc lại và nhuận văn rất kỹ. Qua mỗi cuốn sách của Sư Ông, tôi nghĩ Sư cô Đoan Nghiêm thu lượm được rất nhiều từ cách Sư Ông nhuận văn và sửa bài. Càng về sau Sư Ông càng tin tưởng Sư cô, và thường giao cho Sư cô nhuận văn những bài pháp thoại của Sư Ông để xuất bản thành sách. Ấy vậy mà nói đến viết sách thì Sư cô luôn từ chối.

Tôi nghĩ Sư cô Đoan Nghiêm từ chối viết sách, có lẽ vì Sư cô là một người thích hoạt động hơn là viết lách. Khi mới xuất gia, tôi, Sư cô Tuệ Nghiêm và nhiều sư em khác thường đi theo Sư cô để học đủ thứ. Học đủ thứ, vì môn gì Sư cô cũng dạy được. Trong lớp tiếng Hán của Sư cô, chúng tôi học hát tiếng Hoa, học viết chữ Hán với bút lông. Trong lớp xướng tán, Sư cô đem theo máy để thâu phim, và cho chúng tôi xem lại chính mình dâng hương như thế nào, giọng xướng ra sao để mà biết sửa. Với sự sáng tạo, cách Sư cô dạy rất mới, rất vui, dễ hiểu và dễ hành. Học mà giống như chơi. Các bạn sẽ cảm được điều đó khi đọc tác phẩm này.

Sau này, tôi phát hiện ra rằng không chỉ các sư em thích học với Sư cô, mà cả những vị cư sĩ cũng thích không kém. Có một lần, tôi được tham dự chung nhóm Pháp đàm dành cho những người Ý với Sư cô. Tôi đã chia sẻ hết lòng, nhưng cuối buổi pháp đàm, họ chẳng để ý đến tôi mà chỉ đi theo Sư cô Đoan Nghiêm, để năn nỉ Sư cô qua Ý hướng dẫn khoá tu cho họ. Họ thích Sư cô vì Sư cô đã không phí thì giờ để trao truyền mớ lý thuyết, mà Sư cô đi thẳng vào thực tế. Sư cô chia sẻ hết lòng cách thực tập làm sao để giúp họ bớt khổ và có thể sống hạnh phúc hơn. Cách Sư cô chia sẻ rất thẳng thắn, đơn giản và dễ hiểu. Độc giả có thể cảm nhận được điều đó khi đọc cuốn sách này.

Duy Biểu Học không phải là môn dễ học. Tuy vậy, Sư cô Đoan Nghiêm đã sử dụng từ ngữ dễ hiểu, gần gũi, phối hợp với hình ảnh và những ví dụ thực tế, để ai cũng có thể chạm vào Duy Biểu học. Điều quý nhất là độc giả sẽ hiểu được sự vận hành của tâm, để có thể hiểu được chính mình, chuyển hoá những niềm đau nỗi khổ và tạo được hạnh phúc cho mình và cho người.

Chân Định Nghiêm